Lâu nay, nói đến du lịch, nhiều người hình dung ra những bãi biển cát dài, dãy núi cao trùng điệp mờ sương… ít người nghĩ đến cánh đồng lúa, ruộng ngô, vườn rau… rất giản dị, bình thường. Nhưng tour du lịch nông thôn mới ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh sẽ khiến bạn nghĩ khác.
Đồng chí Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban tổ chức trung ương về thăm Tượng Sơn
Hấp dẫn bằng những thứ đơn giản
Nằm ngay chân cầu Đò Hà, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, Khu du lịch Edufarm được khá đông các trường học ở ba tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình biết đến như một điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm lý tưởng với các em học sinh. Theo ước tính của ông Trần Văn Hóa – Giám đốc Khu du lịch Edufarm – những năm trước, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, mỗi năm khu du lịch này đón khoảng 15.000 lượt khách. Con số này có thể sẽ tăng khi dịch bệnh được khống chế và cuộc sống trở lại bình thường, bởi Edufarm đã mở rộng quy mô và số lượng khách của một đoàn cũng tăng từ mức 100 – 150 khách lên khoảng 300 khách
Đúng như tên gọi của Khu du lịch, du khách học sinh về với Edufarm vừa được trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn mới, vừa được tập làm nhà nông trong một ngày, lại được giáo dục kỹ năng sống như chống xâm hại, phòng chống đuối nước, an toàn điện và cấp cứu khi có người bị điện giật… là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Ông Trần Văn Hóa cho biết: “Xuất phát từ công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), tôi thấy ở đây có tài nguyên về du lịch môi trường NTM, đồng thời gắn với quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo về trải nghiệm và dạy kỹ năng sống cho học sinh. Học sinh đến không chỉ trải nghiệm trong khuôn viên Edufarm, mà các em còn được vào xã Tượng Sơn tham quan các vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, thâm nhập nỗi vất vả của nhà nông và hướng làm ăn mới trên đồng ruộng. Học sinh được lao động ngoài vườn rồi làm bánh, nấu kẹo cu đơ, nấu chè, tự ăn, tự dọn dẹp. Những hoạt động đơn giản nhưng các em cảm thấy gần gũi, dễ hòa nhập. Song song với du lịch là quảng bá sản phẩm sạch của địa phương”.
Con Voi – biểu tượng của xã Tượng Sơn
Theo ông Trần Văn Hóa, mức độ đầu tư cho Edufarm so với các khu du lịch khác chưa phải là lớn (kinh phí hết khoảng 6 – 7 tỷ đồng) nhưng rất công phu dù không mang lại hiệu quả tức thì. Công ty được sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh, tư vấn về cách thức làm, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt hỗ trợ về chính sách để tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ông Bùi Đức Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn – cho biết: “Khu Edufarm đã trở thành một điểm du lịch NTM hấp dẫn của xã. Đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa xã với công ty cũng như với các mô hình NTM khác trong xã, tạo thành một chuỗi liên kết du lịch thú vị và khẳng định rằng mô hình xây dựng NTM ở xã Tượng Sơn có những điểm mới tạo ấn tượng cho khách tham quan, trải nghiệm”.
Edufarm Tượng Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, cùng với điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Minh Gia, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân; điểm du lịch Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.
Đến niềm nở, ở tận tình, ra về chu đáo
Edufarm là điểm đầu tiên của tour du lịch và cũng là điểm đến chính kết nối với các vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu của xã Tượng Sơn. Nghĩa là cả doanh nghiệp và các nhà nông trong xã cùng có lợi.
Với một mảnh vườn trồng hoa, cây ăn quả, gia đình ông Trần Văn Báu ở thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, từ khi tham gia chương trình NTM đã có thu nhập trung bình khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng nhờ bán hoa lợi mà không cần đầu tư quá nhiều. Tuy nhiên, ông Báu vẫn kỳ cạch đục quang gánh, làm cối xay gạo để khách có thể trải nghiệm, dù mỗi vị khách đến gia đình chỉ thu được 5.000 đồng. Ông Báu cho biết: “Đầu tư cho các nông cụ cổ khá tốn kém. Ví dụ như cái cối xay này tôi tự đóng chứ mua là mất 5.500.000 đồng. Bàn ghế tôi mua tre tự đóng, mình lấy công làm lãi, mỗi cây tre 70.000 đồng, làm bộ bàn ghế hết 70 cây. Tranh để lợp mái cũng hết 2.800.000 đồng. Tuy nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng mình phải đầu tư thì mới có trách nhiệm, chứ cứ ỷ vào sự đầu tư của nhà nước sẽ không hiệu quả”.
Bà Dương Thị Thư, thôn Hà Thanh, chia sẻ: “Học sinh đến trải nghiệm được đúc bầu cây rồi trồng cây, ra vườn cuốc đất, hái quả, bẻ ngô, nướng ngô ăn… Ngồi giữa sân, giao lưu văn nghệ, nấu kẹo cu đơ, cháo chè, làm bánh bèo đùm lá với tôm. Sau khi liên hoan với những sản phẩm tự tay làm, các em thường rủ nhau ra nhà văn hóa chụp ảnh. Mỗi cháu thu 5.000 đồng, ăn cái gì thì trả tiền cái đó. Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo. Được cái làm du lịch rất vui. Không ai biết ai nhưng thân thiện như người nhà, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe”.
Theo ông Bùi Đức Văn, Tượng Sơn có 4/7 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, trong đó thôn Hà Thanh là khu dân cư kiểu mẫu thông minh. Toàn thôn có hệ thống wifi miễn phí, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, hệ thống camera ở các vườn hộ cũng như hệ thống camera an ninh trên khắp đường làng ngõ xóm. Đây là điểm kết nối với Edufarm để đưa các đoàn tham quan, du lịch và trải nghiệm thực tế. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc đón các đoàn về tham quan cũng như du khách đến trải nghiệm, giữa doanh nghiệp và các hộ dân có hợp đồng nguyên tắc với nhau tạo thành điểm tour tuyến giữa Edufarm và các vườn hộ. Đặc biệt xã với vai trò quản lý tạo được sự gắn kết giữa các điểm đón khách, các điểm trải nghiệm của du khách xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng trong xây dựng NTM; tạo động lực để các hộ dân sáng tạo trong phương thức đón du khách, tạo nên những trải nghiệm thú vị, đồng thời thêm sự gắn kết, tình làng nghĩa xóm giữa các hộ dân.
Một góc khu dân cư kiểu mẫu Hà Thanh
Để nhân rộng mô hình du lịch NTM
Là một xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Thạch Hà, Tượng Sơn có điểm xuất phát thấp, khi bước vào xây dựng NTM năm 2010 bước đầu đánh giá đạt 3 tiêu chí, trình độ, nhận thức của nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, thu nhập bình quân đầu người là 7,57 triệu đồng/năm. Thế nhưng đến nay, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Tượng Sơn đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, xã đạt chuẩn NTM nâng cao đợt 1 năm 2019. Tượng Sơn đã huy động tối đa nguồn xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hình thành khu dân cư đô thị xanh, phát triển tour tuyến tham quan, du lịch trải nghiệm NTM gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cơ bản hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, năm 2019 đạt 45 triệu đồng, tăng gấp gần 6 lần so với năm 2010.
Theo bà Dương Thị Thư, để có thể phát triển được như vậy, ở Tượng Sơn, cán bộ xã phải gắn bó với nhân dân: “Hằng tuần, thứ tư, thứ bảy, chủ nhật là cán bộ xã xuống lao động với nhân dân. Ở xã, cán bộ mà chỉ tay năm ngón là không được”.
Tuy nhiên, mô hình du lịch NTM cũng không dễ nhân rộng, ngay cả ở một địa phương có phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh như Hà Tĩnh. Theo ông Ngô Đình Long, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Hà Tĩnh, cái khó là chưa có giải pháp kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để thông qua họ thu hút du khách trên mọi miền Tổ quốc. Làm du lịch không thể chỉ trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, mà cần có chính sách kết nối bài bản để đạt được hiệu quả cao nhất./
Thiết kế web giá rẻ : thiết kế web qcv